Khi được tăng lương, bạn muốn dùng
số tiền mới như thế nào? Bạn nghĩ sẽ có đủ tiền để đặt ra những mục tiêu tài
chính, chẳng hạn như tiết kiệm nhiều hơn hoặc trả hết nợ?
Điều trớ trêu là với không ít
người, bất kỳ mục tiêu nào họ nhắm đến khi được tăng lương vẫn không thể thực
hiện. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, tức kiếm được nhiều tiền hơn nhưng vẫn
cảm thấy thật nghèo túng thì có lẽ bạn đang gặp phải vấn đề về tài chính.
Có 5 câu trả lời có thể bạn chưa biết về “bí ẩn” tại sao được tăng
lương nhưng vẫn không dư dả gì.
Có một kiểu người không thấy thú vị trong việc quản lý tiền bạc.
Dấu hiệu của kiểu người này là không mấy hăm hở khi tiền trong sổ tiết kiệm
ngày càng nhiều hay số dư nợ ngày càng ít đi. Nếu bạn rơi vào dạng này, thì rõ
ràng, việc được tăng lương không phải động lực lớn lao cho bạn.
Thiếu động lực về tài chính
Để tạo động lực, hãy nhớ rằng, tiền nhiều hơn có thể cho phép bạn
theo đuổi những mục tiêu lớn mà bạn quan tâm. Bằng cách tạo kết nối giữa tài
khoản ngân hàng và nguyện vọng, bạn sẽ thấy lý do việc quản lý tiền bạc lại
quan trọng.
Hãy cân nhắc các giai đoạn quan trọng bạn đang hướng tới, chẳng
hạn như khởi nghiệp, sống cùng một người, trở thành cha mẹ hay mua căn nhà đầu
tiên.
Sau khi xây dựng được mong
muốn tự do tài chính và giảm căng thẳng về tiền bạc, hãy xác định các bước cần
thực hiện để đạt được mục tiêu. Kế hoạch tài chính được xây dựng dựa vào những
điều bạn mong muốn sẽ tạo ra động lực .
Chi tiêu vô thức
Khi kiếm được nhiều tiền hơn thì tất nhiên bạn sẽ ít bị ràng buộc
hơn với ngân sách và chi tiêu của mình. Nhưng cách tiếp cận thoải mái này có
thể dẫn đến chi tiêu vô thức. Đó là khi bạn mua hàng dựa trên sự bốc đồng, sự
tiện lợi hoặc thậm chí là cảm thấy nhàm chán, hơn là dựa vào sự cần thiết.
Việc chi tiêu quá mức có thể xuất hiện ở hai lĩnh vực: đi ăn ở
ngoài và giải trí. Theo phân tích của Business Insider trong năm 2017, 20%
người có thu nhập hàng đầu tại Mỹ chi tiêu cho đồ uống có cồn nhiều hơn gấp 6 lần
so với 20% người có thu nhập thấp nhất. Những người có thu nhập cao hơn cũng
chi tiêu nhiều hơn vào sách gấp 5,7 lần và cho giải trí gấp 4,5 lần.
Hãy xem xét lại ngân sách và kiểm tra những hạng mục chi tiêu
không cần thiết đang lạm vào tiền dự phòng. Cân nhắc thật kỹ bất cứ khi nào bạn
chi tiêu để đảm bảo việc mua hàng phù hợp với các mục tiêu lớn về tiền bạc.
Đang mắc nợ nhiều
Nếu các khoản thanh toán nợ cao hơn so với thu nhập của bạn, hãy
cân nhắc những chiến lược quản lý chúng. Dẫu bạn có số dư thẻ tín dụng nhiều
thì các khoản thanh toán nợ cao vẫn có thể là cái bẫy tài chính mà dù mức lương
cao hơn vẫn không thể giúp bạn giải quyết. Có thể bạn không cảm thấy như đang
gặp khủng hoảng, nhưng khoản nợ có thể khiến bạn không tạo được sự tăng trưởng
về tài chính mà bạn muốn.
Các phương pháp “Debt
Snowball” (phương pháp quả cầu tuyết – trả khoản nợ nhỏ nhất trước) và “Debt
Avalanche” (phương pháp trả những khoản nợ có lãi suất cao nhất trước) có thể
giúp bạn trả nợ thông minh hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Và với mỗi khoản vay bạn
trả hết, bạn cũng sẽ loại bỏ một khoản thanh toán hàng tháng và tăng dòng tiền.
Không biết dùng tiền để làm gì
Kiếm thêm tiền không có nghĩa là bạn tự động biết dùng nó như thế
nào. Khi lương tăng, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để quản lý. Và bạn cần phải cập
nhật các chiến lược tài chính để theo kịp.
Bắt đầu mở rộng kiến thức về tài chính cá nhân và bạn sẽ tìm thấy
các ý tưởng cùng chiến lược nhằm để làm được nhiều thứ hơn với số tiền của
mình.
Tìm hiểu thêm về tài chính còn trang bị cho bạn những kiến thức để
duy trì sự giàu có. Bạn có thể đưa ra quyết định dùng tiền sáng suốt hơn và xây
dựng nên sự giàu có bền vững nhanh hơn.
Rơi vào bẫy so sánh
Ví dụ, bạn tự hỏi tại sao những người khác có lối sống tốt hơn hay
ít lo lắng về tiền bạc hơn. Điều đó có thể dẫn đến kết quả, dù bạn có thoải mái
về tài chính thế nào đi nữa thì dường như luôn luôn có người khác làm tốt
hơn.Bạn đang tự nghi ngờ bản thân cùng tình hình tài chính vì cảm thấy thiếu
hụt. Đây có thể là dấu hiệu bạn mắc vào bẫy so sánh bản thân với người khác hay
tạo cho bản thân một tiêu chuẩn không thực tế.
Những định kiến về tiền bạc không hợp lý và những cảm giác chán
nản làm cho bạn mù quáng với tiến triển vừa đạt được, có thể khiến bạn cảm thấy
bất lực.
Hãy thử tập nhận ra cái bẫy này và làm theo cách của bạn để thoát
khỏi nó. Tạo một hồ sơ các thành tựu về mặt tài chính của bạn và sử dụng nó để
nhắc nhở bản thân về tiến triển mà bạn vừa đạt được.
Nếu bạn so sánh mình với người khác, hãy tự nhắc nhở rằng không
phải lúc nào bạn cũng có được mọi thứ bạn muốn, Nhưng với nỗ lực tập trung, bạn
có thể đạt được những mốc quan trọng nhất về mặt tài chính.
Hãy làm cho tiền bạc trở nên có ích cho bạn
Chỉ có tiền thôi thì sẽ không giải quyết được các vấn đề tài
chính. Bạn có thể có thu nhập khá, nhưng bạn cần phải chủ động quản lý tiền bạc
nhằm tạo nên sự tiến triển về mặt tài chính như mong muốn. Nếu bạn không thoát
khỏi tình trạng không có dư dả dù lương tăng thì đã đến lúc tạo nên sự thay
đổi.
Xác định mục tiêu tài chính sẽ xây dựng sự giàu có lâu dài. Chẳng
hạn như dành tiền dưỡng già, trả nợ hay lập quỹ khẩn cấp. Sau đó, hãy điều
chỉnh ngân sách và phân bổ lại tiền bạc đối với mục đích chính của bạn về tài
chính. Kết quả đạt được có thể mạnh đến độ làm bạn ngạc nhiên.
THEO
PHIÊN AN, VNEXPRESS